MỤC LỤC BÀI VIẾT
Chúng ta thường thấy các bài thuốc từ hạt sen, tâm sen, nhưng ít ai nghĩ rằng lá cây sen có thể dùng làm thuốc. Cùng tìm hiểu Lá cây sen – công dụng tuyệt với đối với sức khỏe dưới bài viết dưới đây.
Thông tin lá cây sen
Tên dân gian cây sen: Còn gọi là liên, quỳ.
Tên khoa học: Nelumbo nuciera Gaertn.
Họ khoa học: Thuộc họ sen Nelumbonaceae
Đặc điểm của lá sen
Sen có thể được tìm thấy chủ yếu ở các nước Châu Á như Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc, Sri Lanka, Ấn Độ, Nepal, New Guinea hoặc Nhật Bản. Ngoài ra, Sen cũng phân bố ở Úc, Nga, được du nhập vào Tây Úc và Châu Mỹ từ lâu.
Lá sen là bộ phận của cây mọc lên khỏi mặt nước, còn có tên gọi khác là hà diệp hay liên diệp. Phần cuống lá dài, phía ngoài có gai nhỏ. Phiến lá có hình khiên, to. Đường kính khoảng từ 60 – 70cm tùy thuộc vào thổ nhưỡng.
Phần mặt trên của lá hơi nhám, thường có màu lục tro. Còn phần mặt dưới thì nhẵn bóng có màu nâu nhạt với gân nổi gờ lên. Mỗi lá sẽ có từ khoảng 17 – 23 gân mọc tỏa tròn hình nan hoa. Lá sen giòn, dễ vụn nát và có mùi thơm dễ chịu.
Thu hái và sơ chế
Lá sen có thể được thu hái quanh năm nhưng thường thu hái vào mùa hè và thu vì khoảng thời gian còn lại cây sen thường bị khô và chết. Y học cổ truyền cho rằng thời điểm dược liệu được thu hái tốt nhất là khi cây sen bắt đầu nở hoa. Việc sơ chế lá sen rất đơn giản, chỉ cần cắt lá, bỏ cuống rồi rửa hoặc lau sạch, thái nhỏ rồi phơi khô là được.
Thành phần lá sen
Lá sen chứa nhiều chất chống oxy hóa như: Flavonoid, Quercetin, Tannin, Roemerine, … cùng các loại khoáng chất. Đây chính là thành phần có tác dụng tốt với việc ngăn ngừa oxy hóa, ung thư, bệnh tim mạch, hạ mỡ máu,…
- Vị đắng do hợp chất alkaloid tạo ra;
- 16 flavonoid nhằm tăng sức đề kháng cho cơ thể và làm chậm đi quá trình oxy hóa;
- Các thành phần dầu dễ bay hơi giúp lá có được hương thơm tự nhiên;
- Một số thành phần khác như: carotin, β-sitosterol, acid hữu cơ và các nguyên tố vi lượng.
Thành phần dinh dưỡng trong lá sen như sau: 70kcal năng lượng, 2g Lipid, 28.5g Natri, 30mg Kali, 4.3g Protein, 105% vitamin A, 18.8% vitamin C, 22.3% canxi, 16.5% sắt.
Lá cây sen -Công dụng tuyệt với đối với sức khỏe
Theo y học cổ truyền:
- Công dụng: Thăng thanh tán ứ, băng trung huyết lỵ, thanh thử hành thũng, an thần, lợi thấp.
- Chủ trị: Mất ngủ, tăng huyết áp, di tinh, sốt xuất huyết, chảy máu não, chảy máu cam, nôn ra máu, máu hôi không ra hết sau sinh.
Theo y học hiện đại:
- An thần
- Chống co thắt cơ trơn
- Ức chế loạn nhịp tim
- Chống choáng phản vệ
- Cầm máu
Cách dùng – liều lượng
Dược liệu lá sen được dùng phổ biến dưới dạng thuốc sắc, có thể kết hợp đa dạng với các vị thuốc khác. Liều được khuyến cáo sử dụng trong 1 ngày là vào khoảng 15 – 20g.
Một số bài thuốc từ lá sen
Có nhiều công dụng như vậy lá sen được sử dụng trong các bài thuốc điều trị các tình trạng sau:
- Hỗ trợ kiểm soát cân nặng: Nghiền hỗn hợp 60g lá sen, sơn tra tươi và hạt ý dĩ mỗi vị 10g, 5g vỏ quất thành bột mịn rồi sắc uống thay trà. Sử dụng trong vòng 3 tháng cho một liệu trình.
- Tiêu ứ, bổ tỳ, giảm mỡ: Sắc hỗn hợp 20g lá sen, 4g sơn tra sao, 10g mạch nha tươi, 15g vỏ quất uống mỗi ngày một thang. Có thể uống nóng hoặc lạnh.
- Trị chảy máu cam, hôi miệng, miệng khô,đại tiện táo, tiểu rắt: Sắc hỗn hợp mỗi vị 10g lá sen và rễ cỏ tranh; 6g mỗi vị thanh hao, tiêu sơn chi, đan bì; 3g mỗi vị mộc thông, hoàng cầm; 5g mỗi vị liên kiều và lá tre; 2g hoàng liên uống mỗi ngày một thang.
- Giải nhiệt: Sắc hỗn hợp 10g lá sen, 6g kim ngân hoa uống thay trà.
- Trị ù tai, hoa mắt: Sao vàng hỗn hợp 10g lá sen; 6g hạch đào nhân, 9g đỗ trọng tươi. Giã nát rồi sắc lấy nước uống ấm.
- Trị rối loạn giấc ngủ: 10g mỗi vị lá sen, tuyền phúc hoa, thạch quyết minh, bán hạ; 6g mỗi vị đảng sâm, thiên ma, trần bì. Mỗi ngày sắc uống một thang chia làm 2 phần mỗi ngày uống 2 lần.
- Chữa biến chứng sau tăng huyết áp hoặc xuất huyết não: 20g lá sen; 12g mỗi vị đỗ trọng, cam thảo; 10 gam mỗi vị sinh địa, mạch môn, tang ký sinh, bạch thược. Mỗi ngày sắc uống một thang.
- Chữa di tinh: Sao khô và nghiền thành bột mịn mỗi ngày uống 2 lần.
Đối tượng không nên uống nước lá sen
Tuy mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Một số đối tượng sau nên lưu ý khi dùng:
Phụ nữ mang thai và đang cho con bú
Đây là nhóm đối tượng cần phải cân nhắc kỹ càng vì phụ nữ mang thai và cho con bú cơ thể nhạy cảm, có nhiều sự thay đổi khác trước. Đồng thời còn phải đảm bảo an toàn cho bé con là yếu tố cực kỳ quan trọng.
Phụ nữ đang trong thời kỳ hành kinh
Lúc này máu trong cơ thể cần đi ra nhưng lá sen lại có khả năng cầm máu. Đồng thời, lá sen có khả năng làm giãn cơ trơn trong khi đó cơ trơn ở cổ tử cung phải co bóp mới có thể đưa máu kinh ra ngoài. Nếu uống nước lá sen nhiều trong thời gian này sẽ làm cơ giãn ra hạn chế quá trình co bóp gây ảnh hưởng đến hành kinh.
Những người thể hàn, bị lạnh bụng
Vì lá sen có tính hàn nên những người này uống nước lá sen lâu ngày cơ thể sẽ mệt mỏi, giảm trí nhớ, tim đập bất thường. Những người hay bị lạnh bụng mà uống nước lá sen vào sẽ khiến bệnh ngày càng thêm nặng.
Người suy giảm chức năng sinh lý
Nếu như dùng lâu dài nước lá sen sẽ khiến chức năng sinh lý giảm dẫn đến giảm ham muốn tình dục.
Người bị tụt huyết áp
Do lá sen có công dụng hạ huyết áp nên những ai thấp huyết áp không nên sử dụng. Nếu sử dụng thì chỉ khiến tình trạng bệnh nặng hơn, còn nếu dùng quá nhiều trong thời gian dài sẽ khiến tim đập thất thường, không tốt cho sức khỏe.
Lá sen có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe cũng như điều trị bệnh. Tuy nhiên, trước khi sử dụng, bạn nên trao đổi kỹ lưỡng với bác sĩ để được khuyến cáo về liều dùng cũng như bài thuốc phù hợp. Những thông tin về dược liệu mà bài viết có đề cập đến chỉ mang tính tham khảo, không thay thế cho chỉ dẫn chuyên môn.
Bài viết Lá cây sen – công dụng tuyệt với đối với sức khỏe. Hy vọng đem lại cho bạn thông tin bổ ích. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe.